1. Phở Hà Nội
Phở không còn là món ăn nổi tiếng của riêng Việt Nam nữa mà hương vị của nó đã chinh phục được tất cả những người yêu ẩm thực trên toàn thế giới. Và phở Hà Nội đã trở thành một thương hiệu khi người ta nhắc đến món ăn này. Ngày xưa, khách ăn phở thường gọi là những hàng phở gánh ở đầu phố hoặc đi rong ngoài đường. Một đầu gánh là chiếc chạn con đựng bát đũa, các lọ gia vị và có ngăn kéo đựng bánh phở, thịt bò. Đầu kia là bếp lò với nồi nước dùng lúc nào cũng sôi sùng sục được đun bằng than. Ngày nay, những hàng phở gánh đầu phố không còn nữa, nhưng cái ý nhị thanh tao của nó vẫn còn lại trong nhiều hàng phở ở Hà Nội. Mặt khác, phở Hà Nội cũng được nhiều trang báo nước ngoài khen ngợi và được xếp vào top những món ăn nên thử một lần trong đời.
Phở Hà Nội cũng được nhiều trang báo nước ngoài khen ngợi và được xếp vào top những món ăn nên thử một lần trong đời
2. Bún bò Huế
Bún bò Huế là một trong những đặc sản của xứ Huế, mặc dù món bún này ở đâu cũng có. Tại Huế, món này được gọi đơn giản là "bún bò". Các địa phương khác gọi là "bún bò Huế" để chỉ xuất xứ của món ăn này. Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Đôi khi tô bún còn được thêm vào thịt bò tái, chả cua, và các loại nguyên liệu khác tùy theo sở thích của người nấu. Nước dùng được ninh nhừ từ xương bò hoặc xương đuôi bò, giò heo, thịt nạm, xả, muối và trong quá trình hầm được vớt bọt liên tục để nước dùng được trong. Khi giò heo và nạm chín nhừ lần lượt được vớt ra, riêng thịt nạm khi vớt ra sẽ được ngâm trong nước muối để thịt không bị thâm đen hay bị khô.
Bún bò Huế là một trong những đặc sản của xứ Huế
Để thêm màu cho đẹp và thơm, nước dùng sẽ có thêm nước dầu điều, xả bằm đã phi vàng, ớt bột… Đây cũng được xem là món ăn rất được ưa chuộng vào mỗi buổi sáng, một món ăn tiêu biểu trong ẩm thực xứ Huế, cho đến nay dù bạn ở đâu cũng đều có thể tìm ra để thưởng thức món ăn này.
3. Bánh đa cua Hải Phòng
Đến Hải Phòng, không thể không ăn bánh đa cua. Bánh đa cua Hải Phòng giờ đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác nhưng làm sao ăn được cái vị bánh đa cua ngon chuẩn phố Cảng khi mà nơi đây là “trùm” về cua biển? Dù là người kén ăn đến mấy, chỉ một lần thử món đặc sản Hải Phòng thôi, cũng sẽ phải tấm tắc khen về sự kết hợp hài hoà giữa sợi bánh đa dai sật, cua bể ngọt chắc, đầy ắp thịt, hương vị mặn mòi đúng chất miền biển nên lại càng khó phai. Mùa hè, bánh đa cua Hải Phòng khéo léo gọi mời thực khách bằng màu xanh mát mắt của rau muống đầm xanh và giòn, còn mùa đông là vị ấm áp của cua đồng béo ngậy. Nhưng điều làm cho bánh đa cua đặc biệt lại chẳng phải rau muống, chả lá lốt, vị cua đồng hay hành phi – những thứ đâu đâu cũng có, mà lại chính là thứ bánh đa đỏ, đặc sản của Hải Phòng.
Bánh đa cua - món ngon trứ danh của Hải Phòng
4. Mì Quảng
Cùng với cao lầu, mì Quảng là một món ăn đặc trưng của Quảng Nam. Mì Quảng thường được làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 2mm. Sợi mì làm bằng bột mỳ được trộn thêm một số phụ gia cho đạt độ giòn, dai. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ...
Mì Quảng là một món ăn đặc trưng của Quảng Nam
Món ăn này rất được ưa chuộng đến nỗi không một khu phố, làng mạc, chợ búa, ngóc ngách nào ở Quảng Nam mà không bán mì Quảng. Nhưng có một điều đặc biệt là: có thể có người Bắc suốt đời chưa từng nấu phở, có thể có người Nam từ bé tới giờ chưa từng nấu hủ tiếu, nhưng chắc chắn chưa có người Quảng nào chưa từng nấu mì Quảng tại gia. Có thể người nấu ngon, người nấu chưa ngon, song với người Quảng, điều đó mặc nhiên đúng.
Xem thêm >>> 5 món ngon chưa ăn chưa biết Tuyên Quang
5. Bún cá Long Xuyên
Bún cá Long Xuyên còn gọi là bún cá Châu Đốc được bán khắp nơi trong vùng vào dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch, khi những con cá lóc đã trưởng thành. Một tô bún cá thơm ngon thường có màu sắc vàng ươm của nghệ, cá lóc đồng, rau nhút bẻ cong và rau bắp chuối. Dù là bún cá nhưng khi ăn không hề nghe thấy vị tanh của cá bởi đã được trung hòa bởi mùi dễ chịu của nghệ. Chính vì vậy, nước lèo của món bún cá Long Xuyên rất ngon, có vị thanh ngọt của cá tươi rất hấp dẫn. Nếu có dịp ghé thăm vùng Châu Đốc – Ang Giang, hãy ghé những quán bán bún cá Long Xuyên để thưởng thức món ngon đặc sản nhé.
Bún cá Long Xuyên thơm ngon với vị thanh ngọt của cá tươi rất hấp dẫn
6. Lẩu mắm U Minh
Lẩu mắm (mắm kho cho vào lẩu) là một trong những món ăn dân dã không thể thiếu của người Nam bộ nói chung và U Minh nói riêng. Lẩu mắm phải ăn kèm với rất nhiều rau, như bông súng, đọt nhãn lồng, ngò gai, ngò om, cải xanh, rau muống, rau ngổ, đậu rồng, kèo nèo, rau đắng, càng cua, bông so đũa, cà phổi, bắp chuối, ớt hiểm, tỏi... Ngoài ra còn có đọt choại, loại rau rừng chỉ có ở rừng tràm U Minh. Rồi đậu bắp, nấm rơm bỏ vào khi lẩu vừa sôi, với các loài cá đồng tươi vừa chín như lươn, cá rô, các sặc rằn, cá dầy, cá lóc... cùng “lên lửa” với nước cốt mắm sặc thơm lừng. Cũng không thể thiếu bát ốc lác sôi sùng sục dưới đáy nồi lẩu.
Lẩu mắm - món khoái khẩu ở U Minh
Để có một lẩu mắm ngon, mùi thơm đặc trưng phải lựa từng con cá sặc bướm. Sau đó là khâu làm sạch vảy, ruột, rửa sạch, đem phơi cho cá ráo mặt, rắc muối giã nhỏ, cho vào một cái khạp, bên trên dùng mo cau và sống dừa cài chặt để giữ cho con nắm không nổi lên bề mặt. Với hương vị đậm đà, da diết, khi thưởng thức món lẩu mắm U Minh, bạn còn được gợi lại những ấn tượng quá khứ và kỷ niệm của lớp lớp tiền nhân thời mở cõi.
7. Bánh canh Trảng Bàng, Tây Ninh
Khi có dịp đến vùng đất Tây Ninh, du khách không thể bỏ qua món bánh canh Trảng Bàng, một trong những món ăn bình dân được chế biến từ bột gạo. Cùng với bánh tráng Trảng Bàng phơi sương cuốn thịt luộc, món bánh canh đã được dân địa phương lưu truyền và gìn giữ thành một đặc sản không thể thiếu của vùng đất miền Đông Nam Bộ này.
Bánh canh Trảng Bàng - đặc sản không thể thiếu của vùng Đông Nam Bộ
Từ những nguyên liệu rất phổ biến trong bữa cơm người Việt như gạo, thịt heo, xương, gia vị, qua quá trình chế biến công phu và khéo léo của người Trảng Bàng đã cho ra đời những tô bánh canh đậm đà hương vị. Một khi đã thưởng thức khó ai có thể quên được vị béo ngọt của thịt, vị thơm, dai nhưng mềm của bánh cộng với vị chua của nước mắm. Nếu có dịp ngang qua, đừng quên thưởng thức tô bánh canh đúng điệu ở mảnh đất Trảng Bàng đầy nắng và nhận lại nụ cười nồng hậu của người địa phương.
Qua 8 món ngon kể trên, chắc hẳn bạn đã biết được nó gắn với các tỉnh thành nào của Việt Nam chưa. Hãy lưu lại liền tay và nhớ thưởng thức nhé, đảm bảo bạn sẽ thích mê đấy!
Có thể bạn quan tâm?
Các khách sạn giá rẻ trên hệ thống checkindanang.com
Review 5 món ngon hiếm có khó tìm ở Quy Nhơn
9 món ngon lừng danh chỉ có ở xứ công tử Bạc Liêu
7 đặc sản ở Phú Yên ăn ngon quên cả lối về
Top 9 đặc sản ở Việt Nam làm khách Tây say như điếu đổ
Chia sẻ