Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng với “tiếng đàn ai rao sáu câu”, chàng công tử đốt tiền như nước để “tán” gái, sân chim rộng lớn hay nhà cổ tòa tham biện mà vùng đất thuộc đồng bằng sông Cửu Long này còn sở hữu nền ẩm thực tươi ngon, bổ dưỡng. Bài viết dưới đây sẽ điểm danh 9 món ngon chỉ có ở quê hương của công tử Bạc Liêu. Mời bạn cùng tham khảo.
1. Bún nước lèo
Ở Bạc Liêu, bún nước lèo được bán khắp nơi từ những gánh hàng rong cho đến những quán ăn gia truyền nổi tiếng. Nước lèo ngon phải nấu trong nồi đát để giữ vị ngọt của tôm, cá, nước dừa và dậy mùi thơm từ mắm. Bún ăn kèm bắp chuối thái mỏng, giá, húng quế... Một số nơi còn ăn thêm mực tươi, thịt lợn quay, chả giò, bánh cống.
Bún nước lèo được hòa quyện với nhiều hương vị đặc trưng của xứ Bạc Liêu
Có thể thưởng thức món ăn này vào nhiều thời điểm trong ngày: ăn sáng, xế, tối hay ăn khuya nhưng không gì bằng vào buổi chiều trời mát, sau khi xong việc bè bạn rủ nhau đi ăn tô bún nước lèo. Nguyên liệu đi kèm là cá, tôm phải là cá lóc đồng tươi sống làm sạch luộc nguyên con, bỏ xương lấy nạc, tôm đất tươi còn nhảy cũng luộc rồi lột vỏ. Hỗn hợp nước luộc cá, luộc tôm được cho vào nồi mắm, thêm nước dừa xiêm và sả nguyên cây đập dập nấu tiếp. Tuy nhiên, nước lèo có hương vị đậm đà hơn khi có thêm củ ngải bún đâm nhuyễn vắt lấy nước, trước khi nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Nước lèo ngon nhờ chất ngọt của tôm cá, nước dừa, nhưng không được quá mặn dù phải dậy mùi mắm.
2. Bánh tằm bì
Bánh tằm bì có ở nhiều nơi nhưng chỉ riêng tại Bạc Liêu thì bánh tằm bì phải nói là ngon thuộc hàng đặc sản. Bánh tằm bì công phu từ khâu chọn gạo đến giai đoạn làm bì cũng đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, khéo tay. Bánh tằm bì của Bạc Liêu còn đặc biệt hơn ở chỗ điểm xuyết thêm một vài viên xíu mại giúp cho đĩa bánh tăng thêm chất lượng.
Bánh tằm bì ở Bạc Liêu được xếp vào món ngon thuộc hàng đặc sản
Ăn cùng bánh tằm bì không thể thiếu nước cốt dừa, nước mắm và rau cải đi kèm. Riêng nước mắm chan phải là thứ nước đầy đủ bốn vị: chua, cay, mặn, ngọt mới tăng độ đậm đà. Khi ăn nhất thiết phải có xà lách, húng, giá và dưa leo xắt nhỏ. Chính mùi thơm thanh của rau cải hòa quyện với cái bùi bùi của bì và vị béo của nước cốt dừa càng kích thích thêm sự thèm ăn cho thực khách.
3. Bún bò cay
Bún bò cay là một trong những đặc sản nổi tiếng của xứ công tử Bạc Liêu. Bởi món bún bò cay được chế biến khá cầu kỳ, công đoạn nấu nướng phải qua một vài lần cho quen tỷ lệ nêm nếm gia vị thì tô bún bò cay mới ngon được. Đúng theo tên gọi của món ăn, bún bò cay được nấu với rất nhiều ớt sừng trâu tươi, chín làm cho nước bún có màu đỏ tự nhiên và nguyên chất, kích thích vị giác và bắt mắt người ăn.
Bún bò cay Bạc Liêu với nhiều màu sắc hấp dẫn kích thích vị giác và bắt mắt người ăn
Tô bún sẽ có màu vàng sẫm pha đỏ, với những sợi bún trắng và những cục thịt bắp, gân bò thả vào giữa tô nhìn rất đã mắt. Bên cạnh tô bún đặt đĩa rau ngò gai, quế tươi xanh để ăn kèm. Bún bò cay chỉ chấm với muối hột đâm ớt. Khi ăn, ta vắt thêm chanh vào tô bún, ngắt rau quế, ngò gai cho vào, trộn đều và kẹp thịt với rau chấm muối ớt đưa vào miệng. Bạn sẽ cùng một lúc thưởng thức những hương vị thơm, ngon, ngọt, bùi, giòn, dai, béo, chua, cay.
4. Ba khía muối
Ba khía muối là món ăn phổ biến trong đời sống hàng ngày của người Bạc Liêu, có nguồn gốc từ dân tộc Khmer. Ba khía là một loại cua theo cách gọi của người Việt, có hình thù giống cua đồng nhưng nhỏ hơn đôi chút và sống chủ yếu ở vùng nước mặn. Đây là món mặn, được ăn kèm các món canh, nhất là canh chua.
Trước khi dùng, ba khía có thể được thêm một số gia vị như đường cát, ớt, tỏi, bột ngọt, nước chanh để tăng vị ngọt của nó. Người ta xé nhỏ ba khía rồi trộn đều gia vị, để khoảng 15 phút cho gia vị ngấm là ăn được. Đôi khi cũng có thể không trộn gia vị. Ai đã một lần ăn ba khía muối thì khó mà quên được vị đậm đà khó tả của món ăn, tuy bình dân nhưng thấm đậm tình quê hương của một vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Ba khía muối - món ăn phổ biến hằng ngày của người Bạc Liêu
5. Bánh củ cải
Bánh củ cải có nguồn gốc của người Hoa. Đi vào chợ Bạc Liêu, dạo một vòng, bạn sẽ thấy có một vài chỗ bán bánh củ cải. Bánh củ cải có bao ngoài làm bằng bột mỳ trắng pha với ít bột củ cải trắng nghiền nhuyễn, cán mỏng ra như bánh ướt. Nhân bánh chính là phần quyết định chất lượng của món ăn. Trong nhân có tôm khô nhỏ hoặc tép bạc đất lột vỏ, đâm dập vừa phải, cùng ít thịt nạc bằm với vài hạt đậu xanh hột hấp. Tất cả được xào chín, nêm nếm vừa ăn. Pha nước mắm chanh, đường, tỏi ớt cho vừa ăn như nước chấm ăn bánh xèo. Bánh củ cải ăn kèm với rau thơm, giấp cá, húng nhủi, húng cây, quế và ít xà lách. Bánh thơm, hăng hăng và đặc biệt ngọt vị của con tôm đất.
Bánh củ cải cũng là một trong những đặc sản của Bạc Liêu mà bạn nên thưởng thức
6. Lẩu mắm
Lẩu mắm được nấu bằng nước cốt mắm sặc hoặc rô cùng nước dừa tươi, có thêm xả và tỏi phi để dậy mùi, các thức trong lẩu mắm phong phú từ thịt heo ba rọi, cá ba sa, cá ngát, cá bông lau, cá kèo, tôm bạc, mực, tàu hũ chiên hoặc tươi… Dù cả chục món thịt, cá, tôm, mực trong nồi lẩu nhưng nếu chỉ có vậy thì không ra cái… lẩu mắm. Nơi đây, người dân thường chế biến món lẩu này từ mắm cá sặc cùng nước dừa tươi, sả và tỏi phi thơm ngào ngạt. Lẩu mắm ăn kèm thịt ba chỉ, các loại cá lóc, cá ba sa... và rau cần, rau muống, mồng tơi, cải tím, ngó sen, bông so đũa, lục bình.
Lẩu mắm được nấu bằng nước cốt mắm sặc hoặc rô cùng nước dừa tươi và có loại gia vị khác
7. Xá bấu
Xá bấu là tên gọi của cộng đồng người Hoa cho món củ cải muối. Cách chế biến món đặc sản này cũng khá dễ: củ cải rửa sạch, cắt thành cọng nhỏ phơi khô sau đó muối với đường, ngũ vị hương, Món này ăn ngon nhất khi kết hợp cùng cháo trắng, đậu phụ rán giòn. Dù được biến tấu nhiều cho phù hợp với khẩu vị của người Việt, món ăn này từ lâu đã khiến thực khách thích thú bởi lạ miệng.
Xá bấu - món ăn được nhiều du khách thích thú vì lạ miệng
Xá bấu có thể dùng để xào cùng với sả bằm, khi ăn cảm nhận sợi cải giòn sần sật, có vị mặn ngọt quyện lẫn trong mùi thơm của sả, chút cay cay của ớt, ăn kèm với cơm trắng hoặc cháo trắng rất dễ ăn. Vì vậy, khi đến xứ sở của công tử Bạc Liêu, bạn đừng quên mua cải xá bấu đã được đóng túi về làm quà.
8. Bồn bồn
Bạc Liêu là một trong những tỉnh có món dưa bồn bồn ngon nổi tiếng gần xa. Bồn bồn hay còn có tên gọi mỹ miều khác là thủy hương, một loại cây thuộc họ sậy, có nhiều trên những mặt nước nhiễm phèn. Loại cây mọc hoang này lại được những người dân sông nước tận dụng để làm nên những món ăn độc đáo khó quên.
Bồn bồn là món ăn dân dã, gần gũi, thân thương với người dân Bạc Liêu
Ngoài việc làm dưa chua, phần tươi non của cây bồn bồn còn được chế biến thành các món ăn hấp dẫn như xào tôm thịt, nấu canh, lẩu, làm gỏi... Bồn bồn trở thành một món ăn dân dã, gần gũi, thân thương với người dân nơi đây. Thứ cây hoang dại này lại trở thành nét ẩm thực độc đáo, ngọt lành xuất hiện thường xuyên trong những bữa cơm của người dân chân lấm tay bùn.
9. Bánh xèo
Bánh xèo là một trong những món ăn ngon dân dã được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, mỗi địa phương sẽ có cách chế biến cũng như mang một hương vị dặc trưng riêng. Và ở Bạc Liêu cũng vậy, bánh xèo nơi đây nổi tiếng với những chiếc bánh xèo to hơn những nơi khác và đặc biệt là tép bạc nơi đây ngon đến lạ thường.
Bánh xèo Bạc Liêu nổi tiếng với những chiếc bánh xèo to thơm ngon đến lạ thường
Thương hiệu được nhiều người biết đến khi tới Bạc Liêu chính là bánh xèo A Mật, nhân làm từ hành lá cắt nhỏ, những con tôm đỏ au cùng hành tây thái mỏng, đậu xanh chín mềm và vài sợi củ sắn. Món này ăn kèm rau sống và chấm mắm ớt chua ngọt. Bánh giòn, tép ngọt thơm, nước chấm chua chua ngọt ngọt như hòa quyện vào nhau không thể nào quên được hương vị làm người ta nhớ mãi.
Đến đây, chắc hẳn bạn đã biết được 9 món ngon lừng danh chỉ có ở xứ Bạc Liêu. Hãy note lại liền tay và nếu có dịp ghé thăm quê hương công tử Bạc Liêu đừng quên thưởng thức và mua về làm quà cho những người thân yêu nhé!
Có thể bạn chưa biết?
Chia sẻ