Làng cổ Túy Loan – khoảng trời của hoài niệm


Đến Với Đà Nẵng bạn không thể không tham quan Làng cổ Túy Loan nơi mang đậm dấu ấn của lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam. Làng cổ Túy Loan là địa điểm du lịch Đà Nẵng lâu đời tọa lạc ở hướng Tây Nam của thành phố Đà Nẵng, thuộc địa phận xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng hơn 10km về hướng Tây, dọc theo Quốc lộ 14B đến địa phận xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, ngôi đình nằm ngay ngã ba Túy Loan được dòng sông cùng mang tên làng ôm ấp, che chở. Đình được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 18, đến năm Mậu Tý (1888) được trùng tu lại.


Làng cổ Túy Loan – khoảng trời của hoài niệm

Đường về Làng cổ Túy Loan dọc theo Quốc lộ 14B đến địa phận xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang

Với diện tích trên 110m² trong khuôn viên rộng hơn 8.000m², ngôi đình tọa lạc ở vị thế rất thoáng đãng, mặt quay ra sông, nhìn về núi, sát đường lớn và đặc biệt có cây đa cổ thụ cành lá xum xuê đã hơn trăm tuổi tỏa bóng mát quanh sân đình. Cảnh vật xung quanh đình đẹp như một bức tranh thủy mặc với dòng sông, bến nước, cây đa và đồng lúa ngào ngạt hương thơm. Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất của đình Túy Loan là vẫn còn lưu giữ 20 sắc phong thần, sắc xa nhất đời Minh Mạng (1826), sắc gần nhất đời vua Khải Định (1924). Đây chính là nét độc đáo và khác biệt của đình Túy Loan so với các ngôi đình khác của làng quê Việt Nam.
Cổng làng rêu phong, đình làng nguyên vẹn lối kiến trúc xa xưa, nằm yên lặng dưới gốc đa già tán rộng, quanh năm rợp bóng mát, những con đường làng quanh co, hai bên là những cánh đồng lúa xanh mướt màu mạ non, hứa hẹn mùa vàng trĩu hạt….Tất cả vẽ lên một bức tranh bình yên và mộc mạc lạ lùng.


Làng cổ Túy Loan – khoảng trời của hoài niệm

Ngôi làng cổ nằm tĩnh mịch, an nhiên giữa chốn bao la xanh tươi

Trước sân đình là một bình phong theo kiểu cuốn thư, cao 3m, rộng 2m. Mặt trước đắp nổi hình long mã. Mặt trong đắp nổi hình con lân. Tất cả được lắp ghép bằng nghệ thuật sành sứ. Bên trong đình chia làm 3 gian, 2 chái. Chính điện rộng 3,1m, dài 2,7m. Trên các cột, kèo đều khắc hình hoa lá cách điệu, hoa văn mây cuộn… Nơi thờ có nội tẩm, hậu tẩm, tả ban, hữu ban. Trên nội tẩm có một khán thờ bằng gỗ nơi để thờ các vị thần đình. Toàn bộ cửa đình được làm bằng gỗ mít và kiền kiền.

Làng cổ Túy Loan – khoảng trời của hoài niệm

Vè mộc mạc dung dị khó có thể lẫn với bất kf ngôi làng Cổ nào ở Việt Nam

Tại văn bia đặt trong đình có bài ký của Tam giáp tiến sĩ Nguyễn Khuê (người huyện Thanh Trì, Hà Nội) ghi lại việc lập đình. Bài ký có đoạn: “Đình gồm một tòa chính tẩm, một tòa tiền đường đều làm bằng gỗ quý và lợp ngói…”. Văn bia còn ghi 5 vị tiền hiền Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê được chiếu vua Lê Thánh Tôn đi mở mang bờ cõi về phương nam (năm Hồng Đức nguyên niên 1470). Đến đây, các vị dừng chân lập nghiệp và đặt tên cho làng là Túy Loan. Mang đậm dấu ấn của lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam, đình Túy Loan được công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1999.

Làng cổ Túy Loan – khoảng trời của hoài niệm

Làng Cổ Túy Loan là quê hương của nhiều lễ hội Truyền Thống

Trải qua bao thăng trầm, đình Túy Loan tuy không giữ được nguyên trạng nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghi vốn có của nó. Hằng năm, vào ngày mùng 9 Tết Nguyên đán, dân hai thôn Đông, Tây của làng cùng khách thập phương tập trung về đình để mở hội dưới bóng đa cổ thụ. Tham dự lễ hội đình làng Túy Loan chính là dịp để du khách gần xa hiểu thêm về một vùng đất, một nếp sống cổ truyền và cũng như những tình cảm chân chất, nồng hậu của người dân nơi đây.

Làng cổ Túy Loan – khoảng trời của hoài niệm

Trải qua bao thăng trầm, đình làng Túy Loan tuy không giữ được nguyên trạng nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghi vốn có của nó

Có rất nhiều điểm tham quan tại Đà Nẵng mang màu sắc hiện đại, nhưng cũng còn đó sự trầm lắng hữu tình, đậm nét bao tinh hoa của văn hóa đình làng cổ như ở làng cổ Túy Loan. Sự tương phản này làm cho Đà Nẵng thêm phần hấp dẫn với du khách thập phương bởi trong sự náo nhiệt hiện đại, vẫn có những khoảng trời rất riêng đầy hoài cổ, níu giữ những bước chân lãng du cho dù dòng thơi gian có luôn trôi đi và đầy đổi thay.
 >>>Xem thêm nét đẹp phong tục đón tết của người Việt