Có lẽ khi cuộc sống bên ngoài quá ồn ã, náo nhiệt thì con người ta lại muốn quay lại và đi tìm những thứ bình dị, yên tĩnh của một thời trong quá khứ. Và các quán cà phê có không gian và tên gọi hoài cổ như thời bao cấp ra đời như để “lấp chỗ trống” cho những nhu cầu đó.
Cộng cà phê
Cộng cà phê có mặt ở rải rác các tuyến phố của Hà Nội - Hải Phòng - Đà Nẵng - Nha Trang và TP HCM với phong cách chủ đạo là không gian thời bao cấp. Đặt chân vào Cộng, ta như vừa bước chân quay về quá khứ. Cộng chăm chút từng chi tiết nhỏ từ bức tường xanh bộ đội, những kệ gỗ sờn tróc, những ấm trà rất đỗi mộc mạc, những chiếc cốc sắt tráng men đựng giấy ăn hay những bức ảnh treo tường, những vật dụng trang trí mang đầy hơi thở của một thời khốn khó được sắp xếp theo một cách rất… cố ý.
Cộng cà phê có lẽ là chuỗi quán cà phê được nhiều người check-in nhiều nhất với gần 30 trải dài từ Bắc vào Nam và nằm tại các tuyến phố có đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước như: Cộng ở phố Mã Mây (Hà Nội), Bùi Viện (TP HCM), Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang).,… Thực đơn đa dạng là điểm cộng của quán tuy nhiên giá các loại đồ uống được đánh giá là khá cao so với mặt bằng chung và chất lượng không đồng đều giữa các địa điểm.
Căng tin 109 (Hà Nội)
Quán nằm tại ngõ 198 Xã Đàn, Phương Liên, Đống Đa với phong cách tái hiện một căng - tin thời xưa. Không gian quán nhỏ nhưng khá thoáng với thiết kế bao gồm hai cửa sổ -nền tường vàng pha chút rêu xanh làm điểm nhấn - mái lợp tôn - cửa sơn xanh lá trông khá bình dị và mát mẻ.
Các vật dụng được sử dụng trong quán cà phê đều gợi nhớ những ký ức tuổi thơ của thế hệ 7X, 8X, 9X như mì tôm trẻ em, ô mai Thái, những cuốn truyện tranh Bảy viên ngọc rồng, tập truyện Conan… Quán không ồn ào, ai nấy đến đây đều mang một tâm hồn nhẹ nhàng, thoải mái và cứ thế nhâm nhi những ly cà phê ngọt ngào, hòa quyện.
Nhà Xưởng (Nghệ An)
Quán nằm tại số 33 Võ Thị Sáu, TP Vinh. Phía bên trong quán giống như một ngôi nhà cấp 4 với bộ bàn ghế vô cùng đơn giản - chiếc tivi, điện thoại, bộ bàn ghế từ xưa. Chiếc bàn là điểm nhấn của quán khi có vẽ sẵn khung để chơi trò “ô ăn quan”, bên cạnh là các đĩa đựng “quân” để khách có thể chơi lại trò chơi tuổi thơ. Giá đồ uống ở đây từ 15.000 - 50.000 đồng khá ngon.
Tiệm nước bao cấp (Đà Nẵng)
Quán nằm tại K30/14 Bạch Đằng gây ấn tượng với du khách, đặc biệt là người nước ngoài ngay lập tức bởi các biển quảng cáo thời xưa khá lớn được vẽ trên tường Quán được trang trí bởi những chiếc đài, bang cát sét, điện thoại quay cũ kỹ. Tuy không rộng nhưng do nằm ở vị trí bên sông Hàn, quán lúc nào cũng nườm nượp khách. Thực đơn ở đây khá ngon, các món được viết tay nhòe nhoẹt trên mảnh giấy ố màu có giá từ 10.000 - 20.000 đồng.
Út Lành (TP HCM)
Nằm trong con hẻm nhỏ ở khu phố Tây sầm uất 283/37 Phạm Ngũ Lão, Quận 1và là một trong những quán đông khách nhất với phong cách Sài Gòn xưa. Từ khăn trải bàn -biển quảng cáo trên tường - cầu thang - mấy tờ báo cũ,… đều tái hiện hòn ngọc Viễn Đông một thời. Điều khs thú vị là nếu khách hàng đến đây không dùng các thiết bị thông minh sẽ được giảm tiền nước, đây là mong muốn của chủ quán nhằm mang đến những giây phút thật sự thư giãn hay trò chuyện bên bạn bè thay vì lướt điện thoại, dán mắt vào máy tính bảng.
Cửa hàng cà phê 81 (TP HCM)
Nằm tại địa chỉ 216B đường Nguyễn Văn Nguyễn (quận 1), quán cà phê 81 là một căn nhà cũ với nhiều vật dụng cổ quen thuộc như tivi cũ, điện thoại quay, máy đánh chữ…. Nền gạch bạc màu, tường bong tróc từng mảng, không gian không ồn ào mà nhẹ nhàng tạo cảm giác bình dị, an toàn. Các thức uống ở đây đều được quán pha chế theo công thức riêng, giá mỗi đồ uống dao động từ 30.000 đồng trở lên.
Xem thêm: - 6 quán cà phê đẹp nhất Đà Nẵng
- Sài Gòn, nên đi đâu, về đâu?
- Kem dát vàng 24k "đắt như tôm tươi" tại Sài Gòn
- Các khách sạn tại Hà Nội
checkindanang.com tổng hợp
Chia sẻ