Non Nước bức tranh sơn thủy và những dấu ấn khó phai

Ai từng một lần đến với Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), chắc hẳn đều có những ấn tượng khó quên. Với riêng tôi, ấn tượng ấy không chỉ là vẻ đẹp say đắm của bức tranh “sơn thủy hữu tình” của tạo hóa ban tặng mà còn là câu chuyện về “con người”, những con người ghi lại những dấu ấn khó phai nhạt, và đầy nhân văn.
>> Tinh hoa làng đá mỹ nghệ Non Nước
>> Lễ hội Quán Thế Âm Non Nước Đà Nẵng
>> Các địa điểm du lịch ở Đà Nẵng

Rất giản đơn, Ngũ Hành Sơn chỉ là năm ngọn núi, nhưng chính những con người nơi đây đang làm cho Khu du lịch Danh thắng này ngày một trở nên hấp dẫn, cuốn hút đến lạ kỳ, mang thương hiệu Non Nước từ những việc làm rất đỗi bình thường.
 

1. Hồi tôi mới chuyển về sống ở đường Lê Văn Hiến, cạnh nhà có chị hàng xóm hôm nào cũng lục đục dậy từ 3 giờ sáng, dắt xe máy ra đi đến mãi 9 giờ mới về. Tôi tò mò hỏi, “chị làm chi mà sáng nào cũng đi sớm rứa?”, chị trả lời “đi dọn vệ sinh”. Hỏi ra mới biết chị làm nhân viên vệ sinh tại Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn. Lại chất vấn: “Mắc mớ chi đi sớm rứa cho cực? Để sáng lên làm có khỏe hơn không? Khách đâu thưởng lãm trước 8 giờ mà lo?”.

Chị cười, rất thật: “Biết là rứa, nhưng mình phải làm, phải dọn thật sạch trước lúc đón khách, để khách thấy vui, thấy được tôn trọng khi đến với Ngũ Hành Sơn. Mà cũng quen rồi em, trong tổ của chị, ai cũng rứa, mấy chục năm nay có ai than thở chi mô. Vất vả, nhưng khu danh thắng sạch, khách hài lòng là mình thấy hạnh phúc!”.

Mỗi người một nghề, một công việc để mưu sinh nên câu chuyện với chị, tôi không lưu tâm lắm. Rồi một lần, cùng người thân đến với Non Nước, bước trên những tầng bậc đá, dạo quanh những con đường trên động, thấy tinh tươm sạch sẽ, chợt lòng mình lâng lâng. Ừ, “khách hài lòng là mình thấy hạnh phúc!”- tôi chợt nhớ đến câu nói của chị hàng xóm ngắn gọn mà chứa đựng đầy trách nhiệm cũng như sự vất vả để hôm nay tôi, mọi du khách thấy hài lòng.


 
2. Chẳng hiểu cơ duyên gì, hay chỉ là vì nghề nghiệp mà sau này tôi gắn bó với Non Nước hơn, và cũng hiểu hơn công việc của những con người hằng ngày gắn bó với nơi đây. Mỗi ngày đón biết bao du khách, nên để làm hài lòng tất cả là điều chẳng dễ dàng.

Có lần trao đổi cùng các anh, chị trong Ban Quản lý về cách làm du lịch, những tưởng nhận được câu trả lời đại loại như “thực hiện chủ trương, chỉ thị, nghị quyết…”. Nhưng tôi thực sự bất ngờ khi nghe những câu chuyện rất đời thường về cách làm của họ. Chẳng có gì đao to búa lớn, đó chính là chuyện của chị lao công, anh bảo vệ, các nhân viên đang làm cho Non Nước thêm đẹp và hấp dẫn.

“Tôi cũng không nhớ mình để quên chiếc túi xách ở đâu và cứ nghĩ có khi để quên khi đi taxi đến tham quan nơi đây. Gia đình tôi xin cảm ơn lãnh đạo và cán bộ nhân viên Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn rất nhiều vì chúng tôi cũng không biết làm thế nào khi toàn bộ giấy tờ tùy thân đều ở trong túi này” – đó là một đoạn trong lá thư cảm ơn của chị Nguyễn Thị Hải Yến (trú P. Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) gửi đến Ban Quản lý Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn. Trước đó, chị Yến cùng gia đình đến tham quan Non Nước để quên túi xách (bên trong có tiền, nhiều giấy tờ quan trọng khác) tại đây. Khi về Vĩnh Phúc, chị mới biết và cũng không thể ngờ lại được Ban Quản lý liên hệ, chuyển đến tận tay.

Còn nhiều, rất nhiều trường hợp du khách khi đến tham quan để quên đồ đạc, thất lạc tư trang có giá trị đều được cán bộ, nhân viên Khu Du lịch Danh thắng Ngũ Hành Sơn liên hệ, chuyển trả nguyên vẹn. Hành động đẹp “Nhặt được của rơi, trả người đánh mất” những tưởng đơn giản, nhưng không phải ai, ở đâu cũng làm được.


Hành động nhỏ ấy không chỉ là tinh thần, trách nhiệm đối với du khách khi đến tham quan tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn mà đó còn là nét văn hóa đẹp, tạo sự ấn tượng sâu đậm về thương hiệu Non Nước trong mắt bạn bè, du khách.

3. Còn nhớ, có lần tôi trao đổi với ông Lê Quang Tươi, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch Danh thắng Ngũ Hành Sơn  về chuyện chèo kéo, đeo bám khách từng tồn tại ở Non Nước.

Ông Tươi thừa nhận thực tế và cho biết quyết tâm không để “cái gai” này làm mất đi hình của Khu Danh thắng mà cán bộ, nhân viên đã, đang xây dựng. Trước thực trạng ấy, Ban Quản lý, chính quyền phường, quận và các ban, ngành chức năng đã phải vào cuộc với rất nhiều cuộc họp, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm mục tiêu “chấm dứt tình trạng cò mồi, chèo kéo du khách tại Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn”.


Đầu năm 2016, ông Tươi cho biết, vấn đề này đã tạm thời được giải quyết khi các hộ được bố trí quầy kinh doanh tạm thời. Vấn đề căn cơ, lâu dài là phải tìm ra sinh kế bền vững cho họ. Nói thì ngắn gọn vậy, nhưng “nhổ” được “cái gai” ấy là cả quá trình “trường kỳ” đầy cam go, kể cả việc có nhân viên của tổ bảo vệ bị hành hung, đánh đập.

Sáng đầu năm, Non Nước nhộn nhịp khách đến, tôi thấy mừng khi chứng kiến cảnh không còn ai bị quấy rầy nữa. Lòng vẫn mong mãi mãi như vậy. 4. “Năm 2016, chúng tôi sẽ cố gắng đón 1 triệu lượt khách” – ông Lê Quang Tươi cho biết mục tiêu của Ban Quản lý. Được biết, năm 2015, Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đón hơn 884 ngàn lượt khách (trong đó có gần 320 ngàn lượt khách quốc tế), tăng 38,2% so với năm 2014.


Ông Tươi bảo, năm 2016, trước thời cơ, vận hội mới cùng những dự lường về khó khăn thách thức, Ban Quản lý khu du lịch Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã hoạch định chương trình hành động, phát huy những lợi thế, định hướng những việc làm thiết thực. Nỗ lực giữ vững “thương hiệu” danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến “An toàn – Văn minh – Thân thiện” với quyết tâm cao của cả tập thể, tạo sự đồng thuận từ ý chí đến hành động của mỗi cán bộ, viên chức, người lao động. Thiên nhiên cho con người Non Nước, làm cho Non Nước sống, đẹp là trách nhiệm của con người. Vậy nên, xây dựng và phát triển du lịch Ngũ Hành Sơn phải bằng ý thức, trách nhiệm và nội lực, sáng tạo không ngừng của mỗi cán bộ, viên chức, lao động. Muốn tạo đột phá, đạt mục tiêu 1 triệu lượt khách trong năm 2016, yếu tố con người là then chốt.

Vâng, từ ý thức đến trách nhiệm trước di sản văn hóa, tôi tin rằng, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ thành công.

(Theo Yeudanangorg)